Xây dựng là một ngành công nghiệp gây nên không ít ô nhiễm trên toàn cầu. Trong đó, riêng quy trình sản xuất và sử dụng xi măng đã phát thải ra môi trường 2 tỷ tấn CO2 mỗi năm, đứng thứ 3 trong top 10 nguồn gây ô nhiễm công nghiệp lớn nhất.
Chính từ đó, cùng với xu thế phát triển bền vững của toàn cầu, nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Colorado Bouder, Đại học North Carolina Wilmington và Phòng thí nghiệm Năng lượng tái tạo Quốc gia Mỹ đã phát triển một phương pháp trung hòa carbon độc đáo bằng cách sử dụng xi măng có thể sản xuất từ đá vôi sinh học.
Được biết, các thành viên của nhóm đã tiến hành nuôi cấy tảo Coccolithophore có khả năng tạo ra đá vôi sinh học bằng cách hình thành các mỏ canxi carbonate trong quá trình quang hợp. Đặc biệt, đá vôi phiên bản sinh học của Coccolithophore có thể được tạo ra trong thời gian thực chứ không cần mất cả triệu năm để hình thành như trong tự nhiên.
Cuối cùng, loại đá vôi sinh học này được sử dụng để sản xuất xi măng. Điều đặc biệt là xi măng này không những trung hòa Carbon mà còn loại bỏ carbon do vi tảo hấp thụ CO2 từ môi trường và lưu trữ dưới dạng canxi carbonate.
Việc nghiên cứu thành công loại xi măng sinh học này chính là một tín hiệu rất đáng mừng cho một nền công nghiệp xây dựng bền vững trên toàn cầu. Đồng thời, các nhà nghiên cứu trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng cũng đang nỗ lực phát triển các loại vật liệu xây dựng tái chế, bảo vệ môi trường để cùng hướng đến một kỷ nguyên mới cho ngành xây dựng: kỷ nguyên xây dựng bền vững!